Điện thoại phòng
0223.789.268
Liên Kết Website Thư viện ảnh
Liên Kết Website VIDEO - AUDIO
BVĐK TỈNH CỨU SỐNG 2 BỆNH NHÂN BỊ CHẤN THƯƠNG NGUY KỊCH DO TRÂU HÚC
Đăng lúc 2023-06-30 02:44:03


Đêm ngày 09/6/2023, khoa Cấp cứu - BVĐK tỉnh tiếp nhận 02 bệnh nhân Q.V.N, 64 tuổi và bệnh nhi Q.M.T, 2 tuổi (Bản Nà Lằn, Nậm Tỵ, Sông Mã) là hai ông cháu bị chấn thương rất nặng do trâu húc. Theo thông tin từ gia đình cho biết, chiều ngày 08/6/2023, bệnh nhân N không may bị trâu nhà húc trong lúc đưa trâu đi uống nước. Khi đó, ông đang bế cháu nội trên tay nên cả 2 ông cháu đều bị thương rất nặng. 2 bệnh nhân được người nhà đưa ngay vào BVĐK huyện Sông Mã xử trí trước khi chuyển lên BVĐK tỉnh.

Bệnh nhân Q.V.N nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp nặng, bóp bóng qua nội khí quản, vết thương vùng ngực phức tạp đã được khâu tạm thời tại tuyến trước. Qua thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, kết quả hội chẩn liên khoa chẩn đoán bệnh nhân bị đa chấn thương, vết thương phức tạp cổ chân phải, chấn thương lồng ngực, gãy nhiều xương sườn hai bên, vết thương thấu ngực dẫn đến tràn dịch màng phổi bên phải, tràn khí màng phổi trái, gây xẹp phổi, suy hô hấp. Ngay khi vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã được đặt thở máy và chuyển thẳng lên phòng mổ. Tại đây, các bác sĩ TT. Chấn thương chỉnh hình tiến hành phẫu thuật dẫn lưu khoang màng phổi 2 bên, hút liên tục áp lực âm, xử lý vết thương phức tạp vùng cổ chân phải.

Hình ảnh bệnh nhân Q.V.N bị tràn dịch màng phổi phải, tràn khí màng phổi trái gây xẹp phổi

Quá trình điều trị hậu phẫu tại phòng Hồi sức sau mổ- Khoa Gây mê hồi sức, bệnh nhân được hồi sức tích cực: Thở máy, truyền dịch, truyền máu và giảm đau liên tục bằng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng vùng ngực. Qua gần 20 ngày điều trị bệnh nhân đã ổn định. Theo Ths.Bs Trịnh Xuân Trường - Trưởng khoa Phẫu thuật -Gây mê hồi sức “Giảm đau ngoài màng cứng là một kỹ thuật chuyên sâu, các bác sỹ gây mê sẽ luồn một ống nhỏ sát cạnh rễ thần kinh chi phối, từ đây một lượng thuốc thuốc tê thích hợp sẽ được truyền liên tục để phóng bế cảm giác đau, do vậy cho phép giảm đau triệt để ở các bệnh nhân chấn thương ngực có suy hô hấp, nhờ đó giúp bệnh nhân có thể hít thở sâu, nhanh chóng phục hồi hô hấp tự nhiên, cho phép cai thở máy sớm để phòng tránh các biến chứng do thở máy mang lại: như viêm phổi, ứ đờm, tràn khí áp lực…”.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Đối với trường hợp bệnh nhi Q.M.T, trẻ nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da xanh tái, vết thương sọ não hở, vỡ xương vùng trán, lộ tổ chức não ra ngoài. Xác định đây là ca bệnh chấn thương phức tạp đe dọa đến tính mạng, ngay lập tức, ekip phẫu thuật do Ths.Bs Đèo Đức Lực - TT. Chấn thương chỉnh hình phẫu thuật viên chính đã tiến hành xử trí lấy bỏ phần não tổn thương, cầm máu, vá màng cứng và truyền máu ngay trong mổ. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, sau đó trẻ được chuyển sang Khoa Nhi hồi sức sau mổ.

Hình ảnh chấn thương nguy hiểm của bệnh nhi khi nhập viện

Tại Khoa Nhi, bệnh nhi tiếp tục được điều trị thở máy, chống phù não, sử dụng kháng sinh, chống loét kết hợp với các biện pháp nuôi dưỡng. Sau 7 ngày điều trị, trẻ khỏe mạnh, tinh thần, giao tiếp tốt và được ra viện. Theo sát quá trình điều trị và phục hồi hàng ngày của trẻ tại Khoa Nhi, Bs Mùi Văn Vưng chia sẻ: “Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, con khỏe mạnh được trở về nhà thực sự là một điều hết sức kỳ diệu. Con là một cậu bé vô cùng đáng yêu và kiên cường trong suốt quá trình điều trị”.

Hình ảnh bệnh nhi điều trị ổn định trước khi ra viện

Nhờ sự cấp cứu ban đầu hiệu quả của bệnh viện tuyến trước và sự phối hợp khẩn trương, nhịp nhàng của bác sĩ tại các chuyên khoa của BVĐK tỉnh, 2 bệnh nhân bị trâu húc đa chấn thương, đe dọa đến tính mạng đã được cứu sống một cách thần kỳ. Đến ngày 28/6/2023, bệnh nhân Q.V.N cũng được xuất viện trong niềm vui của gia đình. Hiện bệnh nhân sức khỏe ổn định, rút dẫn lưu màng phổi 2 bên, cai thở máy và có thể đi lại, trò chuyện bình thường.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo: “Bị trâu húc không phải là tai nạn hiếm gặp ở vùng nông thôn, đã có nhiều trường hợp chấn thương nặng dẫn đến tử vong. Vì vậy, người dân khi chăn dắt trâu, bò cần phải hết sức cẩn thận để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nếu không may bị trâu húc cần đưa ngay đến các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên khoa và trang thiết bị y tế để chẩn đoán chính xác các chấn thương và điều trị kịp thời”.

 

 

Các tin mới