60 năm một chặng đường
Đăng lúc 2020-09-26 10:10:21

Vào những ngày đầu tháng 7-1954, một trạm xá tiền phương được thành lập tại xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn (nghĩa Lộ cũ) nay thuộc tỉnh Yên Bái. Đó chính là nơi ra đời, khởi nguồn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La hôm nay. Câu chuyện về chặng đường 60 năm và nỗ lực vượt khó thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tỉnh miền núi biên giới này rất đáng trân trọng.

Chúng tôi đến thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La vào giữa mùa mưa những ngày đầu tháng 7, dường như ngày nào cũng rả rích mưa, nhưng không làm giảm đi không khí thi đua sôi nổi hướng về ngày kỷ niệm 60 năm thành lập bệnh viện. Đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Lẽ ra, chúng tôi phải tổ chức kỷ niệm vào dịp này, nhưng bệnh viện hiện đang quá tải, tất cả đang tập trung cao cho công tác khám, điều trị bệnh. Ban giám đốc quyết định lùi sẽ tổ chức vào tháng 10, đồng thời phát động đợt thi đua mới”.

Ôn lại chặng đường 60 năm, đồng chí Giám đốc tâm sự: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La có một chặng đường thăng trầm, vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cho đến hôm nay, bệnh viện đã qua chín lần di chuyển địa điểm, nhiều lần đổi tên. Thời kỳ chiến tranh chỉ có nhà gianh, vách đất, đèn dầu, đèn măng-sông, cho đến thời kỳ bao cấp cơ sở vật chất cũng không được cải thiện là mấy, vẫn chỉ là nhà cấp 4, điện máy nổ, trang thiết bị cũ, nhưng công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vẫn được hoàn thành tốt.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La nằm trên khuôn viên 3,7 ha, thuộc tổ 4, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La. So với trước kia bệnh viện hôm nay đã có nhiều đổi mới, khang trang, sạch đẹp, tạo được môi trường khám chữa bệnh khá lý tưởng. Bệnh viện quy mô 350 gường, với 352 cán bộ, nhân viên, tổ chức thành 29 khoa, phòng. Ở một tỉnh miền núi biên giới, quy mô bệnh viện như thế có vẻ như tạm ổn, nhưng khi đi vào thực tế cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Gần chục năm qua, bệnh viên luôn bị áp lực về tình trạng quá tải trước nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao. Vào thời điểm này, bệnh viện đang có 493 bệnh nhân điều trị nội trú, trong khi quy mô phê duyệt kế hoạch chỉ có 350 gường bệnh. Nhu cầu về khám chữa bệnh lớn nhất đang tập trung vào Khoa nhi, Khoa nội, Khoa u biếu,... Trong đó, Khoa nội chỉ tiêu 50 gường, có lúc cao điểm lên đến 110 bệnh nhân. Ở đây cả làm công tác quản lý có bốn bác sĩ, nếu trừ một người trực, hằng ngày chỉ còn ba bác sĩ điều trị, với số lượng bệnh nhân như vậy là quá lớn và quá sức. Khoa nhi bố trí 50 gường, nhưng thường xuyên có 60 đến 70 cháu điều trị. Ở địa bàn Sơn La, các cháu thường bị các bệnh thời kỳ sơ sinh, trong khi điều kiện phương tiện chăm sóc cũ, đơn giản như lồng ấp, máy thở đều thiếu nên gặp nhiều khó khăn.

Đồng chí Lò văn Nhay, Phó Giám đốc bệnh viện nói: “Bà con nhân dân đến khám bệnh không thể nói hết giờ, cần điều trị bệnh không thể nói hết gường. Với tinh thần phục vụ người bệnh đặt lên hàng đầu, Ban Giám đốc đã chủ trương kê thêm gường, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân”. Dân số tỉnh Sơn La cách đây 10 năm chỉ khoảng trên 800 nghìn người, nay đã là 1,2 triệu người, vì thế nhu cầu khám chữa bệnh tăng cũng là điều đương nhiên. Năm năm trở lại đây tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư nâng cấp bệnh viện, nhưng là một địa phương nghèo thì đầu tư vẫn nhỏ giọt. Nếu so sánh với các tỉnh miền núi trong khu vực, như: Điện Biên, Lào cai, Tuyên Quang dân số ít hơn nhưng bệnh viện đã lên quy mô 500 gường từ lâu, riêng tỉnh Hòa Bình có bệnh viện quy mô một nghìn gường. So sánh như vậy để thấy rằng, trong nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã khắc phục nhiều khó khăn, phấn đấu phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Về chất lượng khám chữa bệnh cũng đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Cách làm của Bệnh viện Đa khoa Sơn La là một mặt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng quan trọng hơn là đầu tư nâng cao năng lực khám chữa bệnh của đội ngũ y bác sĩ. Những năm gần đây, bệnh viện đặt ra yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nên nhiều cán bộ trẻ, có năng lực đã được cử đi đào tạo. Hiện nay, bệnh viện có 19 cán bộ được đào tạo cao học, 26 cán bộ đào tạo chuyên khoa cấp I, II, hai cán bộ nghiên cứu sinh và nhiều người từ trình độ trung cấp lên đại học.

Đến nay, nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị được áp dụng thành công. Lĩnh vực ngoại khoa và gây mê hồi sức, bệnh viện đã đảm đương phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi mật, ruột thừa, GEU, U nang buồng trứng, thủng dạ dày, dính ruột, tán sỏi nội soi, phẫu thuật gan bệnh lý, nối mật – ruột, tụy - ruột, xử lý các ca chấn thương sọ não nặng, phẫu thuật phaco, kỹ thuật gây mê mask thanh quản,... Lĩnh vực nội khoa, hồi sức cấp cứu, nhi: Chăm sóc điều trị bệnh nhân hôn mê do suất huyết não, ngộ độc cấp, chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, thở CPAP,... Lĩnh vực cận lâm sàng đã thực hiện kỹ thuật chụp CT tiêm thuốc cản quang mạch, nội soi tiêu hóa chẩn đoán, nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ, điện giải đồ. Nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, tình trạng nguy kịch đã được cán bộ, nhân viên bệnh viện cứu chữa kịp thời, mang lại sự sống cho người bệnh, hạn chế được bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.

Đưa lồng ấp vào sử dụng đã nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh.

Để làm tốt công tác khám chữa bệnh trong điều kiện hiện nay, chúng tôi được biết, bệnh viện đã quan tâm đến công tác giáo dục y đức, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh. Ngoài việc tuyên truyền giáo dục thường xuyên, Đảng ủy, Ban Giám đốc chủ trương tổ chức các chuyến công tác cho cán bộ, nhân viên xuống cơ sở. Hằng năm có các chương trình phối hợp các trung tâm y tế và các bệnh viện tuyến huyện, thị trong tỉnh. Năm 2013, bệnh viện thực hiện chương trình phối hợp công tác với bệnh viện huyện Mộc Châu, Sốp Cộp. Những năm qua, bệnh viện đã phối hợp tốt việc giúp đỡ các bệnh viện Mường La, Quỳnh Nhai chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng di dân TĐC thủy điện Sơn La. Sáu tháng đầu năm 2014, các chi đoàn thanh niên của bệnh viện đã có hai chuyến công tác thăm, khám chữa bệnh cho bà con nhân dân xã Púng Tra (Thuận Châu), Đồn Biên phòng 447 và nhân dân xã biên giới Mường Lạn (Sốp Cộp). Mục đích qua những chuyến đi ấy làm cho cán bộ, nhân viên bệnh viện hiểu được cuộc sống của đồng bào, từ đó chia sẻ nỗi khó khăn vất vả với người dân vùng sâu, vùng xa. Khi bà con đến khám chữa bệnh, người thầy thuốc và bệnh nhân đã có sự đồng cảm. Vì thế ở đây không có hiện tượng gây khó khăn, vòi vĩnh phong bì.

Đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, người bệnh được chăm sóc chu đáo, ấm tình người. Chúng tôi được chứng kiến Hội chữ thập đỏ của viện đã cứu giúp nhiều gia đình bà con nghèo khi đến khám chữa bệnh. Đầu năm 2014 đến nay, Hội đã giải quyết sáu trường hợp hỗ trợ cho những bệnh nhân khó khăn. Thí dụ, gần đây nhất ngày 17-6, theo đề nghị của trưởng khoa hồi sức cấp cứu, Hội chữ thập đỏ của viện đã hỗ trợ 300.000 đồng cho chị Hờ Thị Mỵ, ở bản Co Sung, xã Đông Sang, Mộc Châu, điều trị tại khoa không còn tiền ăn.

Chuyển biến rõ nét dễ nhận biết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La là tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, nhân viên đã đi vào nền nếp, khoa học. Môi trường làm việc và cảnh quan trong viện, như: đường đi lối lại, cây xanh, trồng cỏ, ghế đá cho bệnh nhân ngồi được đầu tư nâng cấp. Đặc biệt, từ năm 2013 khu khám bệnh khép kín, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đã được đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho người đến khám bệnh. Khu nhà thuốc trước kia giao cho khoa dược nay thành lập Nhà thuốc bệnh viện trực thuộc Ban Giám đốc, với mục tiêu bảo đảm chất lượng thuốc, giá thành rẻ. Hầu hết các loại thuốc ở đây đến tay bà con nhân dân đều có giá rẻ hơn thị trường từ 15 đến 20%.

Trong tháng tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La sẽ khởi công xây dựng thêm một khu nhà dành cho người nhà bệnh nhân nghỉ trong thời gian chăm sóc người bệnh. Chủ trương này xuất phát từ thực tế nhiều bà con vùng sâu vùng xa đến chăm sóc người nhà nằm điều trị không có chỗ ở. Ngoài ra còn tiến hành xây dựng thêm khu vệ sinh ngoài trời để bảo đảm môi trường trong lành, thoáng mát. Tất cả những việc làm đó đều xuất phát từ mong muốn nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người đến khám chữa bệnh.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, mặt trái của cơ chế thị trường tác động, nhưng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La vẫn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Suốt chặng đường 60 năm qua, niềm vui lớn nhất của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ bệnh viện là được nhân dân tin yêu, mến phục. Điều ấy, hôm nay đang được nhân lên.

Các tin tức liên quan

Các tin mới